Dân tập thể hình cần biết: Căng cơ, rách cơ – Nguyên nhân và cách khắc phục

Đánh giá post

Chấn thương là tình trạng mà những người thường xuyên tập thể hình có thể gặp phải. Một trong những chấn thương phổ biến và gây ảnh hưởng nhất đến khả năng vận động là căng cơ, rách cơ. Nếu không được xử lý đúng cách và triệt để, căng cơ, rách cơ có thể gây ra biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến khả năng vận động sau này của bạn. Căng cơ, rách cơ là gì?

Căng cơ, rách cơ là hiện tượng chấn thương ở gân hoặc ở cơ. Những người gặp phải sẽ cảm thấy cơ bị kéo căng quá mức, chỉ cần một tác động nhẹ cũng gây đau đớn.
 


Căng cơ, rách cơ là chấn thương thường gặp khi tập thể hình

Phân biệt căng cơ, rách cơ

Căng cơ, rách cơ đều là tình trạng hư hỏng cơ sợi và gân, khiến chảy máu bên trong và làm cho cơ trở nên mềm nhão, sưng lên, kèm theo những cơn đau thắt.  Tuy nhiên chấn thương rách cơ mang tính nghiêm trọng và nguy hiểm hơn so với căng cơ. Cụ thể:

Căng cơ là tổn thương cơ dạng nhẹ do dây chằng, gân, cơ bị kéo giãn. Số lượng bó sợi cơ bị đứt là dưới 25%.

Triệu chứng: Khi bị chấn thương, bạn sẽ cảm thấy đau nhói ở vùng gân cơ, có thể bị sưng nhẹ. Dần dần cảm giác đau sẽ giảm.

Rách cơ là khi số cơ bị rách chiếm 25 – 75% bó sợi. Đây là loại chấn thương gây ra những cơn đau khủng khiếp hơn căng cơ và quá trình điều trị cũng phức tạp hơn.

Triệu chứng: Có thể nghe thấy tiếng “rắc” hoặc “bực” như tiếng xé vải ngay tại chỗ bị thương. Xuất hiện dấu hiệu sưng nóng và bầm tím, đôi khi kèm theo biểu hiện chuột rút, co cứng cơ, khi ấn nhẹ hoặc cử động nhẹ thì gây đau dữ dội.

Nguyên nhân dẫn đến căng cơ, rách cơ

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chấn thương căng cơ, rách cơ, nhưng chúng đều xuất phát từ quá trình vận động với cường độ từ vừa đến mạnh trong quá trình tập luyện thể hình.

Căng cơ, giãn cơ cấp tính

Đây là tình trạng cơ bị căng giãn, rách hoặc đứt đột ngột mà không được cảnh báo từ trước. Nguyên nhân là do:

  • Trước khi tập luyện thể hình bạn không khởi động kỹ, khởi động sai cách hoặc tập các bài tập quá nặng nhưng không nghỉ ngơi hợp lý.
  • Cơ có độ giãn và đàn hồi kém, nguyên nhân có thể do di truyền, cơ địa của mỗi người.
  • Gặp chấn thương trong quá trình tập luyện như té ngã, trượt chân, va đập mạnh, vận động sai tư thế, nâng tạ quá nặng,…

Có nhiều nguyên nhân gây căng cơ, rách cơ trong quá trình tập luyện

Căng cơ mãn tính

Đây là tình trạng cơ bị căng cứng, giảm độ linh hoạt và gây ra các cơn đau nhức dai dẳng trong thời gian dài vài ngày ngày, vài tuần. Nguyên nhân thường do sự lặp đi lặp lại các chuyển động ở một phần cơ thể dẫn đến mất cân bằng hệ thống cơ bắp, từ đó áp lực lên các khớp và dây thần kinh được hình thành, dẫn đến chấn thương ở các vùng hoạt động và gây ra các cơn đau ngay cả khi chỉ hơi vung nhẹ tay hoặc chân.

Phương pháp xử lý căng cơ, giãn cơ

Xử lý căng cơ

  • Ngay khi gặp chấn thương, cần ngừng hoàn toàn quá trình tập luyện. Vì nếu tiếp tục vận động, máu sẽ tụ lại nhiều, không có lợi cho việc điều trị sau đó.
  • Dùng túi đá ướp chườm lạnh 10 – 15 phút, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tiếng, lặp lại nhiều lần trong ngày. Việc này sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng, không gây tụ máu hoặc ngừng chảy máu.

Lưu ý: Không nên chườm một lần quá lâu, không chườm lạnh trực tiếp vì da sẽ bị bỏng.

Chườm lạnh là việc cần thiết nhất khi bị căng cơ, rách cơ

Xử lý rách cơ

  • Ngưng hoàn toàn các hoạt động để tránh cơ bị rách thêm.
  • Chườm lạnh ngay sau khi bị chấn thương.
  • Băng ép để làm giảm chảy máu, sưng bầm và đau nhức: Dùng băng thun quấn ép dưới vùng tổn thương, đầu tiên phải quấn chặt, sau đó lỏng dần.
  • Nên đến ngay bệnh viện để được điều trị nếu thấy các cơn đau dữ dội hơn.

Lưu ý: Ngay khi gặp phải chấn thương căng cơ, rách cơ, bạn tuyệt đối không được chườm nóng, không dùng dầu và rượu xoa bóp.

Phục hồi triệt để sau khi xử lý căng cơ, rách cơ

Chế độ dinh dưỡng

  • Uống đủ nước mỗi ngày để thải độc.
  • Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein để hỗ trợ quá trình sửa chữa và tái tạo mô.
  • Uống magnesium và calcium hỗ hợp để phục hổi mô liên kết. Liều lượng: 250-500 mg magnesium, 1000 mg calcium, ngày 1 -2 lần.
  • Bổ sung các thực phẩm thể hình có chứa nhiều vitamin C. Vitamin C sẽ giúp chống viêm và cải thiện mô hư hỏng.

Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để cơ thể phục hồi hoàn toàn sau chấn thương

Chế độ tập luyện

Thời điểm này không nên chơi bất cứ một loại hình thể thao nào cần cường độ mạnh. Cần điều chỉnh thể lực, giảm bớt khối lượng tập hoặc chọn một bài tập khác nhẹ nhàng hơn và nghỉ ngơi hợp lý.

Nếu chỉ bị căng cơ nhẹ, bạn sẽ hoàn toàn phục hồi sau khi điều trị cẩn thận khoảng 2 – 3 ngày. Lúc này có thể tập luyện nhẹ nhàng và tăng từ từ để cơ thể dễ thích nghi.
 


Tập luyện nhẹ nhàng và điều độ sau chấn thương để cơ thể được thích nghi tốt hơn

Nếu là chấn thương nặng hoặc đã qua sơ cứu mà hoạt động vẫn còn khó khăn, cơn đau kéo dài hơn 2 tuần, bệnh nhân cần đến khám ở các bệnh viện chuyên khoa để được điều trị càng sớm càng tốt.

Hy vọng những thông tin hữu ích do Dáng Việt vừa cung cấp trên đây sẽ giúp bạn có thêm kỹ năng và tập luyện an toàn. Để tìm hiểu thêm nhiều kiến thức liên quan đến thể hình, mời bạn tiếp tục truy cập địa chỉ https://huanluyencanhan.com/.